13:17 24/11/2023

Làm sao để chấm dứt bạo lực học đường?

Làm sao để chấm dứt bạo lực học đường? Đây là một câu hỏi nhức nhối mà không chỉ Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia khác. Bài viết này là cái nhìn của tôi về bạo lực học đường và đưa ra giải pháp làm sao để chấm dứt vấn nạn này.

Websitegiare.co Làm sao để chấm dứt bạo lực học đường?


Cách đây một hôm tôi đọc báo và biết về một hoàn cảnh xót xa của một học sinh lớp 7 ở Hà Nội, bị bạn bè đánh hồi đồng dẫn tới tâm thần vĩnh viễn, gặp người lạ luôn gọi là "côn đồ", "thằng mất dạy". Tôi không dám hình dung ra em đã trải qua những điều kinh khủng gì mà khiến một em bé bình thường, hoạt bát lại trở nên như vậy. Tại sao những em bé chỉ mới lớp 7 lớp 8, mầm non tương lai của đất nước lại có thể ra tay với bạn học cùng lứa với mình nặng tay đến như vậy. Khi mọi chuyện xảy ra thì trách nhiệm bây giờ biết phải đổ cho ai? Gia đình, nhà trường hay chính các em đó.

Tôi cũng từng trải qua thời gian đi học, cũng từng chứng kiến không dưới hàng chục lần trường hợp bắt nạt trường học, bạo lực học đường. Tôi luôn trăn trở câu hỏi: Bao giờ mới hết vấn nạn bạo lực học đường?  Bây giờ tôi đã làm bố, đã có con nhỏ. Làm sao để tôi có thể an tâm để con mình đi học mà không còn phải băn khoăn về vấn nạn nhức nhối này? Không chỉ tôi mà ngoài kia hàng triệu phụ huynh cũng cùng nỗi niềm như tôi. Tôi chỉ là một cá thể nhỏ trong xã hội, một người thích lên mạng viết bài chia sẻ, với chỉ một bài viết khó có thể làm thay đổi được cả cộng đồng, xã hội. Nhưng tôi vẫn phải viết vì nếu ai cũng như vậy, không ai hành động thì xã hội sẽ không bao giờ tốt đẹp lên được.

Tôi nghĩ trách nhiệm không đến từ các em, nhân chi sơ tính bản thiện, đó là triết lý của Khổng Tử. Có thể sẽ có nhiều người phản biện rằng tồn tại nhiều em bé mà bản tính đã xấu. Đúng nhưng tôi tin rằng nếu giáo dục đúng cách, các em bé đó sẽ biết cân bằng giữa lý trí và bản ngã của chính mình. Để bản thân không bao giờ đi vào con đường sai trái đó, ít nhất là khi còn ở trên ghế nhà trường.

Websitegiare.co Làm sao để chấm dứt bạo lực học đường?


Các ông bố bà mẹ luôn nói với con rằng "Ở trường ai bắt nạt con thì về nói với bố mẹ", nhưng đã bao giờ các bạn nói với con mình rằng "Con không được bắt nạt các bạn khác" chưa  Thậm chí tôi đã chứng kiến những bậc phụ huynh nói với con mình rằng "là thằng đàn ông thằng nào đánh mình phải đánh lại", điều đó chả khác gì cổ súy cho con cái xu hướng bạo lực. Với cách nhìn nhận non nớt của một đứa trẻ, nó sẽ hiểu thành được phép bắt nạt người khác để thể hiện bãn lĩnh, tính đàn ông. Có những gia đình chẳng cần "dạy" con bằng lời nói mà hành động của họ cũng đủ để khiến một đứa bé trở nên côn đồ. Bố mẹ đánh chửi nhau, văng tục chửi thề, gây hấn với hàng xóm, người lạ, trên bàn rượu thể hiện uy quyền, người bề trên. Tất cả đều khiến một đứa bé có suy nghĩ rằng khiến người khác sợ mình là một điều đáng tự hào, ngưỡng mỗ.

Trách nhiệm gia đình tuy quan trọng nhưng nó chỉ tác động được phạm vi nhỏ, còn trách nhiệm nhà trường lại khác, trách nhiệm nhỏ nhưng tầm ảnh hưởng lại rất lớn. Tôi đi qua các trường học cấp 2 cấp 3 luôn thấy băng rôn, biểu ngữ "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", "Tiên học lễ hậu học văn", "Thi đua dạy tốt học tốt" v...v... mà tuyệt nhiên không thấy dòng chữ nào nhắc tới bạo lực học đường. Liệu có phải nhà trường đã quá coi thường vấn nạn này chăng ?

Tóm lại để thay đổi nhận thức các em, tôi cho rằng nhà trường phải quyết liệt hơn trong việc tuyên truyền chống vấn nạn bạo lực học đường. Không chỉ băng rôn, biểu ngữ, mà còn phải tổ chức các buổi nói chuyện hàng tháng về chủ đề này. Thành lập các đội chống bạo lực học đường (do chính các em học sinh làm nòng cốt), các đường dây nóng, hòm thư góp ý về bạo lực học đường. Giải quyết mọi trường hợp bạo lực học đường khi nó chỉ mới vừa manh nha. Dành ra một ngày trong năm đặt tên là ngày chống bạo lực học đường. Tôi tin rằng mưa dần thấm lâu, dần dần thế hệ học sinh Việt Nam sẽ ý thức được việc bài trừ bạo lực học đường quan trọng như thế nào, giống như phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội mà trước đây đất nước chúng ta đã từng làm.

Xem thêm:
. Lê Quốc Huy - hành trình 10 năm từ thiện cùng trẻ em Quảng Nam